• Skip to content

colibriprotocol

Kiến thức đầu tư tiền ảo và thị trường crypto

Th4 05 2022

Phí Gas là gì? Mẹo tiết kiệm Gas Fee khi giao dịch

Trên thị trường tài chính truyền thống, bạn phải trả phí cho nhiều loại giao dịch như phí rút tiền từ cây ATM, phí chuyển tiền liên ngân hàng, phí chuyển đổi ngoại tệ khi gửi tiền ra nước ngoài. Trên thị trường crypto, bạn cũng phải trả phí cho các giao dịch và đây được gọi là phí gas. Bạn hãy cùng colibriprotocol.com tìm hiểu phí gas là gì, phân loại Gas Fee và mẹo tiết kiệm loại phí này để giao dịch trên thị trường crypto hiệu quả hơn nhé!

Phí gas là gì?

Trước khi tìm hiểu phí gas, chúng ta cần biết gas là gì. Gas là đơn vị dùng để đo mức độ “công việc” (tài nguyên tính toán) mà một nhiệm vụ yêu cầu. Hay nói cách khác gas là đơn vị đo lượng năng lượng mà bạn cần dùng khi thực hiện một giao dịch trên blockchain. Có thể coi gas như là “nhiên liệu” của blockchain.

phi gas la gi

Nhiệm vụ càng phức tạp, yêu cầu tài nguyên tính toán lớn thì gas càng cao. Ví dụ: Giao dịch ETH thông thường chỉ tốn khoảng 21.000 gas. Tuy nhiên, khi bạn thực hiện giao dịch với các token ICO hoặc chuyển từ ví Myetherwallet, lượng gas sẽ cao hơn.

Phí gas (gas fee) là khoản phí mà bạn phải trả để thực hiện và hoàn thành các giao dịch, thực hiện hợp đồng thông minh, khởi chạy các ứng dụng phi tập trung (Dapp) hay thanh toán cho việc lưu trữ dữ liệu trên blockchain.

Đơn giản hơn, bạn có thể hình dung các công việc mà mình thực hiện trên blockchain giống như khi bạn lái xe. Nếu muốn lái xe, bạn cần phải đổ xăng cho xe chạy. Lúc này xăng giống như là gas. Còn chi phí để bạn đổ xăng cho xe chính là phí gas. Nếu đi xe máy khoảng 10 km, bạn cần đổ 0,5 lít xăng và phải trả 10.000 VNĐ cho chi phí đổ xăng. Tương tự, nếu thực hiện giao dịch chuyển 1000 ETH qua ví khác trên Ethereum network, bạn cần chi trả một lượng phí gas nhất định được quy thành ETH.

Phân loại Gas Fee

Gas Fee gồm 2 loại là gas Limit và Gas Price. Trong đó, công thức tính Gas Fee = Gas Limit x Gas Price. Thông tin cụ thể về mỗi loại gas như sau:

1. Gas Limit

Gas Limit là lượng gas tối đa mà bạn sẵn sàng trả phí khi thực hiện, xác nhận các giao dịch hoặc các chức năng blockchain. Nói cách khác, đây là giá trị giao dịch hoặc chức năng cao nhất mà người dùng có thể trả phí.

gas limit la gi

Nhờ sự tồn tại của gas Limit mà lỗi smart contract hoặc lỗi tính sai làm cho phí gas quá cao, gây lãng phí tiền bạc của người dùng được ngăn chặn. Gas Limit chính là phương án tuyệt vời để bạn ngăn chặn các cuộc tấn công vòng lặp hoặc tạo ra năng lượng cho tài nguyên hệ thống.

Tùy theo thời gian và hình thức giao dịch, giá trị của gas Limit có thể thay đổi. Hiện nay, có một vài sàn giao dịch và ví điện tử đã được trang bị tính năng thiết lập gas Limit tự động. Tuy nhiên, các sàn giao dịch và ví điện tử này cũng cho phép bạn điều chỉnh gas Limit theo cách thủ công, tùy theo nhu cầu sử dụng.

Ví dụ: Khi thực hiện giao dịch trên Ethereum, gas Limit được thiết lập tự động khoảng 21.000 gas. Nếu bạn tự đặt gas Limit thì có 2 trường hợp xảy ra:

  • Trường hợp đặt gas Limit quá cao: Điều này làm cho phí gas mà bạn trả cao. Và tất nhiên, giao dịch của bạn sẽ được ưu tiên xử lý giao dịch nhanh chóng.
  • Trường hợp đặt gas Limit quá thấp: Điều này làm cho các validators/miners không đủ lượng gas để xác nhận giao dịch.
  • Vì thế, có thể lúc đầu giao dịch vẫn được xác thực xử lý như bình thường. Nhưng sau đó, lượng gas không đủ để tiếp nhận xác nhận giao dịch (hết gas). Giao dịch sẽ bị coi là không hợp lệ, bị từ chối và buộc phải dừng lại. Lượng gas mà bạn đã chi cho giao dịch bước đầu vẫn mất và không được hoàn lại. Điều đó có nghĩa là nếu bạn đặt gas Limit quá thấp, có thể giao dịch không thành công và bạn vẫn mất phí gas.

2. Gas Price (Gwei)

Gas Price là khoản phí (số tiền tính bằng đồng coin gốc của blockchain) mà bạn sẵn sàng chi trả cho mỗi đơn vị gas.

Giống như gas Limit, bạn có thể điều chỉnh gas Price theo nhu cầu sử dụng của mình. Nhưng bạn cần cân nhắc kỹ khi điều chỉnh bởi gas Price sẽ chi phối đến tốc độ xác nhận giao dịch của miners/ validators trong network.

Hiện nay, phần lớn các blockchain đều sử dụng nguyên tắc đấu giá để quản lý và ưu tiên giao dịch xử lý trước. Theo nguyên tắc này, các validators/miners sẽ sắp xếp các giao dịch theo gas Price giảm dần rồi ưu tiên xử lý theo thứ tự đó. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo tính công bằng và khuyến khích thêm nhiều miner/validator tham gia vào việc cung cấp sức mạnh tính toán cho mạng này, từ đó gia tăng tính phi tập trung và độ bảo mật của các blockchain được đảm bảo.

Khi đặt giá gas Price, cũng có 2 trường hợp xảy ra. Đó là:

  • Trường hợp trả gas Price quá cao: Phần thưởng của validators/miners cao. Vì thế, validators/miners xác nhận giao dịch của bạn càng nhanh.
  • Trường hợp trả gas Price quá thấp: Các validators/miners sẽ xác minh và xử lý giao dịch của bạn sau rất nhiều giao dịch khác. Vì thế, bạn sẽ mất nhiều thời gian để xác nhận giao dịch. Thậm chí, giao dịch của bạn không được xác nhận vì những người khai thác không có bất cứ động cơ nào để thực hiện.

Xuất phát từ cơ chế hoạt động trên, bạn nên trả gas Price cao hơn người dùng khác để các validators/miners xác minh và xử lý giao dịch của bạn trước. Nhờ đó, giao dịch của bạn sẽ được thực hiện nhanh chóng hơn. Nếu không quá vội và muốn tiết kiệm tiền phí giao dịch, bạn có thể trả gas Price thấp hơn những người khác một chút.

Ngoài khái niệm gas Limit và gas Price, còn có khái niệm gas Gwei được nhiều người nhắc đến. Đây thực chất là một khái niệm chỉ tồn tại trong blockchain Ethereum. Gas Gwei là đơn vị tính gas Price của blockchain Ethereum.

Cụ thể, Gas Gwei là một lượng rất nhỏ ETH được dùng để thanh toán phí cho các giao dịch trên mạng Ethereum. Mỗi Gwei gần bằng 0,000000001 ETH (10^-9 ETH). Nói cách khác, 1 ETH tương đương với 1 tỷ Gwei.

3. Cách phân biệt Gas Limit và Gas Price

Để dễ phân biệt gas Limit, gas Price cũng như gas Gwei, bạn có thể tưởng tượng việc thực hiện các giao dịch trên blockchain giống như việc bạn di chuyển bằng xe ô tô. Trong đó, gas Limit là khối lượng xăng (đơn vị/số lít xăng) tối đa mà bạn muốn đổ cho ô tô. Còn gas Price là giá của mỗi đơn vị/lít xăng đó và được tính bằng Gwei – nếu bạn đang thực hiện giao dịch trên mạng Ethereum.

Ví dụ:

  • Đối với ô tô: Giá của mỗi lít xăng giá là 20.000 VNĐ. Bạn muốn đổ đầy bình với 10 lít xăng thì số tiền phải trả là 20.000 x 10 = 200.000 VNĐ.
  • Đối với Ethereum: Giá của mỗi đơn vị gas (gas Price) là 20 Gwei. Khi thực hiện giao dịch, bạn muốn trả tối đa 21.000 đơn vị gas (gas Limit) thì số phí phải trả (phí gas) là 20 x 21.000 = 420.000 Gwei.

Tại sao phải có phí gas?

gas fee la gi

Các giao dịch trên blockchain phải có phí gas bởi vì phí gas sẽ giúp giải quyết các vấn đề sau:

  • Tránh các giao dịch spam: Do phải trả phí gas nên việc thực hiện các cuộc tấn công spam quy mô lớn sẽ rất tốn kém. Vì quá tốn kém nên các giao dịch spam ít khi xảy ra. Nhờ đó, các nhà phát triển blockchain có thể ngăn chặn kẻ xấu spam mạng lưới, gây ra tình trạng nghẽn mạng. Tính an toán và sự bảo mật của nền tảng cũng vì thế mà được đảm bảo.
  • Trả thưởng cho các thợ đào duy trì mạng lưới: Thực tế cho thấy chẳng có thợ đào xác thực giao dịch để bảo vệ mạng khỏi cuộc tấn công spam (validators/miners) nào muốn làm việc không công. Nhờ có phí gas, hệ thống sẽ có thêm tiền để làm phần thưởng cho các thợ đào duy trì mạng lưới này. Người dùng có thêm động lực để trở thành người xác thực giao dịch.
  • Tạo động lực tăng giá cho token: Hiện nay, các blockchain đều có native token riêng. Vì thế, nếu người dùng trả phí gas bằng native token thì đây chính là động lực giúp tăng giá token và duy trì sự ổn định, phát triển của blockchain trong một thời gian dài.
  • Tăng hiệu suất khi thực hiện các thuật toán tiến hành giao dịch: Do phải trả phí gas nên các nhà phát triển sẽ cố gắng giới hạn các bước cần sử dụng khi thực hiện giao dịch. Việc này giúp hiệu suất khi thực hiện các thuật toán tiến hành giao dịch tăng lên và họ tiết kiệm chi phí hơn.
  • Ngăn chặn việc lãng phí tài nguyên: Nguyên tắc định giá phí gas giúp đảm bảo sự hợp lý và tính công bằng của các khoản phí. Nhờ đó, việc lãng phí tài nguyên vào các hoạt động không có giá trị đối với blockchain được ngăn chặn.

Ví dụ về phí gas trên các blockchain

Phí gas là khoản phí có mặt trên tất cả các blockchain. Thường thì người dùng sẽ thanh toán phí gas bằng native token của blockchain thực hiện giao dịch. Điều đó có nghĩa là ở mỗi blockchain giao dịch, bạn sẽ thanh toán bằng đồng coin riêng, khác với nền tảng khác. Dưới đây là thông tin về phí gas trên 2 blockchain nổi bật nhất là Bitcoin và Ethereum sẽ giúp bạn hiểu thêm về vấn đề này.

1. Phí gas trên Bitcoin

Không chỉ là mạng blockchain đầu tiên trên thế giới, Bitcoin còn tạo ra tiêu chuẩn về phí gas cho nhiều loại tiền mã hóa khác. Ngay từ đầu, người sáng lập ra Bitcoin đã nhận thấy chính phí gas có thể bảo vệ mạng blockchain khỏi những cuộc tấn công spam quy mô lớn và thúc đẩy những hành động tốt trên hệ thống.

Bởi khi người dùng và cả những kẻ tấn công thực hiện giao dịch thì tập hợp các giao dịch này đều được lưu tại vùng nhớ (mempool). Sau đó, thợ đào Bitcoin sẽ xác thực những giao dịch này để tạo ra một khối mới và nhận phí. Họ sẽ ưu tiên xác thực các giao dịch gửi BTC từ ví này sang ví khác mà người dùng trả phí cao.

Bất kể ai, kể cả những kẻ có ý đồ xấu, muốn thực hiện giao dịch spam để làm chậm mạng cũng phải trả phí cho mỗi giao dịch. Nếu những kẻ xấu này đặt phí quá thấp, giao dịch của họ có thể bị thợ đào bỏ qua. Ngược lại, nếu họ đặt mức giá cao thì chi phí bỏ ra lại quá lớn. Điều này làm cho những kẻ xấu từ bỏ ý định thực hiện các giao dịch spam. Lúc này, phí giao dịch sẽ giống như một bộ lọc giao dịch spam tuy đơn giản nhưng hiệu quả.

Trên hệ thống mạng Bitcoin, một số ví tiền mã hóa cho phép người dùng tự đặt phí gas, thậm chí có thể đặt bằng 0. Tuy nhiên, nếu phí gas quá thấp thì các thợ đào có thể bỏ qua và không xác thực giao dịch. Vì thế, người dùng cần biết cách đặt phí gas trên blockchain Bitcoin.

Trên blockchain Bitcoin, số tiền được gửi không ảnh hưởng đến phí gas mà kích thước giao dịch (tính bằng byte) mới chi phối đến khoản phí này. Công thức tính phí gas trên Bitcoin được tính theo công thức sau:

Phí gas trên Bitcoin = kích thước của giao dịch x phí giao dịch trung bình cho mỗi đơn vị (gas Price)

Ví dụ: Nếu kích thước giao dịch trên blockchain Bitcoin là 400 byte, phí giao dịch trung bình là 80 satoshi/byte thì phí gas phải trả là 400 x 80 = 32.000 satoshi (0,0032 BTC). Với phí gas này, giao dịch của bạn sẽ có nhiều cơ hội thêm vào block tiếp theo.

Tuy nhiên, nếu lưu lượng truy cập mạng cao, nhu cầu gửi BTC lớn thì mức phí gas tối thiểu giúp giao dịch có thể được thực hiện nhanh chóng có thể tăng lên. Nguyên nhân là bởi nhiều người dùng Bitcoin cũng đặt mức giá này làm cho đây không còn là mức giá tối ưu nữa. Vào thời kỳ thị trường có nhiều biến động lớn, hiện tượng này hay xảy ra.

Phí gas cao chính là một trong những lý do chính làm cho người dùng ít sử dụng BTC để thanh toán các sản phẩm, dịch vụ trong đời sống hằng ngày. Ví dụ: Nếu cốc nước cam có giá 50.000 VNĐ mà phải trả phí gas lên tới 40.000 VNĐ, bạn sẽ không muốn thực hiện giao dịch này.

Thực tế cho thấy trên blockchain Bitcoin chỉ có một lượng nhỏ các giao dịch được đặt trong một khối có kích thước khối 1MB. Các thợ đào sẽ cố gắng thêm các khối này vào blockchain nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, tốc độ giao dịch vẫn bị giới hạn. Vì thế, các nhà phát triển Bitcoin đang cố gắng cập nhật phần mềm, cải thiện khả năng mở rộng mạng bằng SegWit và Lightning Network để giao dịch thực hiện được nhiều, nhanh hơn và giảm phí giao dịch.

2. Phí gas trên Ethereum

So với Bitcoin, cách thức hoạt động của phí gas trên Ethereum có đôi chút khác biệt. Phí gas trên Ethereum là công suất điện toán dùng để xử lý một giao dịch và được tính bằng ether (ETH) – token gốc của mạng.

phi gas tren ethereum

Nếu như lượng gas cần thiết để thực hiện một giao dịch ít khi thay đổi thì giá gas (Gas Price) lại có nhiều biến động. Giá gas sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng mạng. Nếu bạn đặt giá gas trên Ethereum cao thì các thợ đào sẽ ưu tiên xử lý giao dịch hơn.

Tổng phí gas trên Ethereum là tổng các khoản thanh toán để đổi lấy năng lượng điện toán cần thiết và tiền phí giúp xử lý, xác nhận giao dịch nhanh hơn. Để xác định mức giá tối đa phải trả cho một giao dịch hoặc tác vụ, bạn cần cũng chú ý tới gas Limit.

Đơn giản hơn, bạn có thể hiểu giá gas là khoản phí cộng thêm cho mỗi giờ làm việc của thợ đào thác thực giao dịch. Còn chi phí gas là khoản phí mà bạn phải trả khi thực hiện giao dịch. Dựa trên giá gas, chi phí gas, giới hạn gas, bạn sẽ xác định được tổng phí cho một giao dịch Ethereum và phí thực hiện hợp đồng thông minh.

Ví dụ: Nếu giao dịch tốn 21.000 gas (bằng với gas Limit), giá gas là 71 Gwei thì phí gas là 21.000 x 71 = 1.491 Gwei (= 0,001491 ETH).

Mẹo tiết kiệm phí gas khi giao dịch

Để thực hiện được giao dịch, bạn bắt buộc phải trả một mức phí gas nhất định. Nếu bạn trả quá thấp, giao dịch có thể không được thực hiện. Vậy có cách nào để tiết kiệm phí gas khi giao dịch giúp tối ưu chi phí không? Câu trả lời nằm ở các mẹo nhỏ dưới đây:

  • Tối ưu hóa các bước trong giao dịch:

Mỗi giao dịch thường gồm có nhiều bước. Mỗi bước đều tốn gas. Giao dịch càng phức tạp, càng nhiều bước thì tài nguyên tính toán càng lớn. Các validators/miners càng phải làm việc nhiều hơn để xác thực giao dịch. Điều này làm cho phí gas tăng, cao hơn các giao dịch đơn giản, cần ít tài nguyên. Vì thế, cách tốt nhất để bạn tiết kiệm phí gas là tối giản giao dịch, càng ít bước càng tốt.

  • Ước tính mức gas Limit, gas Price cần thiết và điều chỉnh phí gas cho phù hợp tại thời điểm giao dịch:

Đặt gas Limit và gas Price cao có thể giúp giao dịch thông suốt, không gặp tình trạng hết gas và được ưu tiên xác thực nhanh trên blockchain. Tuy nhiên, điều này cũng không quá cần thiết bởi chúng sẽ làm cho phí gas bạn phải trả cao hơn bình thường rất nhiều.

Một trong những cách tiết kiệm phí gas hiệu quả là bạn sử dụng các website scan như BSCscan (cho Binance Smart Chain), EtherScan (cho Ethereum)… để tham khảo phí giao dịch, ước tính gas Limit và gas Price. Sau đó, bạn điều chỉnh mức gas Limit, gas Price cao hơn so với mức trung bình vừa ước tính một chút để giao dịch nhanh được xử lý hơn mà vẫn tiết kiệm được phí gas.

  • Tránh thực hiện giao dịch khi gas Price quá cao:

Tùy theo thời gian và nhu cầu giao dịch của mạng lưới, gas Price có thể biến động ít nhiều. Thông thường, khi mạng lưới có mức độ hoạt động cao, gas Price sẽ cao. Ngược lại, nếu mạng lưới có mức độ hoạt động thấp, gas Price sẽ thấp.

Vì thế, trước khi thực hiện giao dịch, bạn nên tham khảo mức gas Price trong các thời gian xử lý khác nhau trên các sàn giao dịch, ví điện tử, ứng dụng hỗ trợ. Sau đó, bạn hãy tránh giao dịch vào thời điểm nghẽn mạng, gas Price quá cao để tiết kiệm phí gas và giao dịch không bị thất bại.

Ví dụ: Trước khi giao dịch trên blockchain Ethereum, bạn nên kiểm tra thông tin mật độ giao dịch trên https://ethereumprice.org/gas/. Sau khi xem xét, bạn hãy chọn thời điểm giao dịch phù hợp.

Bên cạnh các mẹo tiết kiệm phí gas này, bạn cũng cần chú ý để tránh nhầm lẫn giữa gas Limit, gas Price với số token định giao dịch. Gas Limit và gas Price không cố định mà có thể thay đổi theo nhu cầu của người dùng. Việc nhầm lẫn giữa gas Limit, gas Price với số token định giao dịch có thể làm bạn mất đi một khoản phí gas lớn.

Sau đó, bạn cũng không thể thực hiện lại giao dịch để thu hồi số phí gas đã mất. Vì thế, bạn hãy kiểm tra thật kỹ các chi tiết giao dịch trước khi xác nhận thực hiện.

Kết luận

Như vậy, phí gas là một phần không thể thiếu trên các mạng blockchain. Đây cũng là mối quan tâm muôn thuở của những người tham gia vào thị trường tiền điện tử.

Sau bài viết này, chúng tôi hy vọng bạn đã hiểu hơn phí gas là gì, biết cách phân biệt gas Limit và gas Price, cách tiết kiệm phí ga. Để từ đó, bạn không bỡ ngỡ khi bước chân vào thị trường điện tử và biết cách tối ưu lợi nhuận, tránh lãng phí coin cho phí gas không cần thiết.

Written by admin · Categorized: Uncategorized

Copyright © 2023 · Altitude Pro on Genesis Framework · WordPress · Log in